CÂY XÁO TAM PHÂN
CÂY XÁO TAM PHÂN
Tên phổ thông: Xáo tam phân [1,3]
Tên khoa học: Paramignya trimera (Oliv.) Burkill.[1]
Họ thực vật: Cam - Rutaceae Juss. [1]

Mô tả:
Cây gỗ nhỏ, dạng dây leo, vỏ màu nâu vàng, thân dài trên 5m, đường kính khoảng từ 8 - 12cm. Thân và cành có nhiều gai nhọn; lá đơn, mép cong xuống dưới, có hình thuôn hẹp; phiến lá dày có mặt trên xanh đậm, mặt dưới nhạt; phần gỗ của thân hơi cứng, màu vàng; phần gỗ của rễ màu đậm hơn. Các bộ phận của cây đều có tinh dầu, nhiều nhất ở rễ, mùi thơm dịu, rất ít khi ra hoa [6].

Phân bố tự nhiên: 
Mọc nhiều ở khu vực Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên).

Tình trạng:
Loài có khu phân bố chia cắt; nơi cư trú ở các điểm ở Hòn Hèo – Khánh Hòa bị xâm hại do rừng đã bị chặt phá nặng nề để làm thuốc. Cây bị khai thác nhiều mà không được kiểm soát. Mặc dù có dược tính đã được công bố nhưng việc sử dụng cây, thân rễ khai thác trong tự nhiên cần được kiểm soát chặt chẽ về liều lượng. Không chặt đốn những cây trưởng thành còn sót lại ở các điểm phân bố trên. Nên lấy nguồn giống đưa về trồng ở các khu vườn cây thuốc để nhân giống bảo vệ loài cây này.

Sinh học & sinh thái: 
Cây chịu khô hạn ở các khu vực đảo và ven biển. Cây lúc còn nhỏ ưa bóng, khi lớn ưa sáng, chịu được các loại đất nghèo kiệt, có khả năng tái sinh tự nhiên bằng chồi từ rễ tốt. Hiện này đang được trồng ở nhiều khu vực để làm thuốc. Quá trình sinh trưởng trong nuôi trồng phát triển rất mạnh.

Thu hái và chế biến:
Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, sau đó phơi khô hoặc thái lát phơi khô.

Bộ phận dùng:
Rễ đã phơi hay sấy khô – Radix Paramignyae trimerae

Tính vị, quy kinh:
Cây có vị hơi đắng có pha vị ngọt, tính bình hơi mát, mùi  thơm dễ chịu, không độc

Công năng, chủ trị:
Xáo tam phân (Paramignya trimera) là một cây thuốc cổ truyền của Việt Nam được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh ung thư [2].

Một số kết quả nghiên cứu về Xáo tam phân:
Nghiên cứu của tác giả Hoàng Lê Tuấn Anh (2016) cung cấp cơ sở khoa học về việc sử dụng Xáo tam phân (P. trimera) trong phòng ngừa và điều trị các bệnh viêm thần kinh. Ostruthin và ninhvanin có thể có các tác dụng điều trị tiềm năng và cần được xem xét để phát triển thêm như các chất chống viêm thần kinh mới [4]. Trong khi đó, Christopher J. Scarlett trong bài công bố của mình trên tạp chí Chemistry & Biodiversity đã chứng minh hoạt chất từ rễ của cây Xáo tam phân có tác dụng với tế bào ung thư tuyến tụy, ruột kết, buồng trứng, phổi, da, tuyến tiền liệt, u nguyên bào thần kinh và vú. Dựa trên những kết quả đạt được, chúng ta có thể kết luận rằng chiết xuất từ rễ của Xáo tam phân là một nguồn tiềm năng để ứng dụng trong các ngành công nghiệp dinh dưỡng, y tế và dược phẩm [5].

Cách dùng, liều lượng:
Mặc dù đây là một cây thuốc được sử dụng phổ biến trong YHCT Việt Nam, tuy nhiên cách dùng và liệu lượng hiện chưa có sự thống nhất trong các tài liệu y khoa và chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc/lương y. 
 
Tài liệu dẫn
1. Nguyễn Tiến Bân và Cs (2003). Danh lục thực vật Việt Nam, Tập 2. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Nguyen, V. T., Pham, N. M. Q., Vuong, Q. V., Bowyer, M. C., van Altena, I. A., & Scarlett, C. J. (2016). Phytochemical retention and antioxidant capacity of xao tam phan (Paramignya trimera) root as prepared by different drying methods. Drying Technology, 34(3), 324-334.
3. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Tuan Anh, H. L., Kim, D. C., Ko, W., Ha, T. M., Nhiem, N. X., Yen, P. H., ... & Hong Quang, T. (2017). Anti-inflammatory coumarins from Paramignya trimera. Pharmaceutical biology, 55(1), 1195-1201.
5. Nguyen, V. T., Sakoff, J. A., & Scarlett, C. J. (2017). Physicochemical, antioxidant, and cytotoxic properties of Xao tam phan (Paramignya trimera) root extract and its fractions. Chemistry & Biodiversity, 14(4), e1600396.
6. http://www.vncreatures.net/chitiet.php?page=1&loai=2&ID=3786

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)