Cơ cấu tổ chức quản lý công ty
Công ty tổ chức quản lý và hoạt động theo mô hình: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban giám đốc và các phòng ban.
1. Đại hội đồng cổ đông
1.1. Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, mỗi cổ đông có 01 (một) lá phiếu biểu quyết và các lá phiếu có giá trị pháp lý, giá trị biểu quyết như nhau (không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần sở hữu của cổ đông).
1.2. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông được lập trên sổ đăng ký cổ đông của công ty có họ tên, địa chỉ, thông tin liên quan.
1.3. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên 01 (một) năm một lần, vào tháng 01 (một) dương lịch. Ngoài cuộc họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông có thể được triệu tập họp bất thường khi có ít nhất 51% các cổ đông đồng ý tổ chức họp. Các nội dung được Đại hội đồng cổ đông thông qua khi có ít nhất 51% cổ đông biểu quyết tán thành.
1.4. Các nội dung được thảo luận:
- Đánh giá kết quả hoạt động của năm; Báo cáo tài chính hằng năm;
- Đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc và các phòng ban;
- Các nội dung thảo luận khác do Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát đề xuất.
1.5. Các nội dung được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua:
- Thông qua định hướng phát triển, chiến lược phát triển của công ty;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Trường hợp đặc biệt: Ông Lê Hồng Thăng được quyền giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi đủ 80 tuổi mà không bị thay thế trong mọi trường hợp, trừ khi bị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên bố hạn chế/ mất năng lực hành vi dân sự. Ông Phùng Đắc Tâm được quyền giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi đủ 80 tuổi mà không bị thay thế trong mọi trường hợp, trừ khi bị Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên bố hạn chế/ mất năng lực hành vi dân sự.
- Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Quy chế hoạt động của công ty;
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm; Duyệt chi phí hoạt động thường xuyên hàng năm của công ty cho năm tài chính kế tiếp.
- Quyết định cổ đông rút khỏi công ty và quyết định bổ sung cổ đông mới của công ty;
- Xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị, Ban kiểm sóat, Giám đốc gây thiệt hại cho công ty;
- Quyết định cơ cấu tổ chức của công ty, việc tổ chức lại, giải thể công ty;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, điều lệ và quy chế của công ty.
1.6. Hình thức họp có thể thực hiện họp trực tiếp hoặc họp qua mạng; việc thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có thể thực hiện qua biểu quyết trực tiếp, xin ý kiến bằng phiếu hoặc qua mạng.
1.7. Việc mời họp Đại hội đồng cổ đông, chương trình họp, điều kiện tiến hành họp, việc thực hiện quyền dự họp, quyền biểu quyết, biên bản họp và các nội dung khác tuân theo loại hình công ty cổ phần và doanh nghiệp xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
2. Hội đồng quản trị
2.1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của công ty, có quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện theo pháp luật, có quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và điều lệ, quy chế của công ty.
2.2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Quyết định thành lập các phòng ban và bổ nhiệm lãnh đạo các phòng ban để thực hiện các hoạt động của công ty; Quyết định phương án tuyển dụng, chế độ của người lao động, quy chế của người đến làm việc, học tập, tham quan và giám sát, chỉ đạo toàn bộ các hoạt động hằng ngày của công ty;
- Giám sát, chỉ đạo Giám đốc và người quản lý khác trong điều hành công việc hằng ngày của công ty;
- Ban hành Quy chế tài chính của công ty phù hợp pháp luật và quy chế này;
- Duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp Đại hội đồng cổ đông, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến để Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định;
- Trình báo cáo quyết toán tài chính hằng năm lên Đại hội đồng cổ đông;
- Kiến nghị việc tổ chức lại, giải thể công ty;
- Quyết định các vấn đề phát sinh khác không thuộc phạm vi thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông và các vấn đề khác trong hoạt động của công ty mà chưa phân cấp.
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và quy chế của công ty.
2.3. Hội đồng quản trị thông qua quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.
2.4 Khi thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ, quy chế của công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm.
2.5. Số lượng thành viên của Hội đồng Quản trị do Đại hội đồng cổ đông thông qua và không vượt quá 11 (mười một) thành viên; nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị không quá 5 (năm) năm; thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại không hạn chế số nhiệm kỳ.
2.6. Việc tổ chức họp Hội đồng quản trị và việc thông qua Biên bản họp Hội đồng quản trị được thực hiện theo quy định của Nhà nước và pháp luật doanh nghiệp.
3. Ban Kiểm soát, Ban Giám đốc và Các phòng, ban chuyên môn
3.1. Ban Kiểm soát được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, thực hiện việc kiểm soát hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc. Số lượng thành viên Ban kiểm soát tối đa là 05 (năm) người
3.2. Ban Giám đốc công ty gồm 01 (một) Giám đốc và 02 (hai) Phó Giám đốc phụ trách hoạt động liên quan tới trồng, bảo tồn, nghiên cứu cây thuốc và cây gỗ quý của công ty. Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quy chế hoạt động của công ty. Ban Giám đốc có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng Quản trị, Đại hội đồng cổ đông và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền, nhiệm vụ được giao. Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc và Phó Giám đốc theo hợp đồng lao động, bản mô tả công việc đính kèm hợp đồng lao động và các quy định của pháp luật, quy chế của công ty.
3.3. Các phòng, ban chuyên môn do Hội đồng quản trị quyết định thành lập, giải thể trên cơ sở đề xuất của Giám đốc phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Công ty trong từng giai đoạn; Chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn do Hội đồng quản trị quyết định thành lập, giải thể trên cơ sở đề xuất của Giám đốc nhằm đảm bảo mục tiêu hiệu quả hoạt động cao nhất của công ty. Số lượng phòng, ban trong công ty được thành lập không vượt quá 04 (bốn) phòng, ban.
4. Nghĩa vụ của người quản lý công ty
4.1. Thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc, các Phó Giám đốc và người quản lý khác có trách nhiệm sau đây: Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo đúng quy chế này, điều lệ, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, quy định của pháp luật doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.
4.2. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, hiệu quả nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty;
4.3. Trung thành với lợi ích của công ty và cổ đông; không sử dụng thông tin, bí quyết của công ty; sử dụng tài sản của công ty và lợi dụng chức vụ để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.