DÂY GỐI ẤN ĐỘ
DÂY GỐI ẤN ĐỘ
Tên phổ thông: Dây gối ấn độ [8]
Tên gọi khác: Xạ đen châu âu, Dây gối bắc, Dây gối quả nâu, Thanh giang đằng, Xạ đen [1,4]
Tên khoa học: Celastrus hindsii Benth. [1,2,3,4,8]
Họ thực vật: Chân danh - Celastraceae R.Br. [7.8]

Mô tả:
Cây bụi leo, cao 3-5 m; cành màu xám hoặc tím; trên thân và cành có các điểm sần thưa như hạt đậu. Lá đơn, mọc so le; cuống lá dài 6-10 mm; phiến lá hình thuôn đến ê-líp, kích thước 7-14 x 3-6 cm, gốc lá tròn, mép có răng cưa thưa, đỉnh nhọn; gân phụ 5-7 đôi. Cụm hoa ở đỉnh cành hay nách lá, dài 5-14 cm, cuống hoa 4-5 mm. Hoa mẫu 5; màu lục nhạt; lá đài hình gần bán nguyệt, dài khoảng 1 mm; bầu 3 ô . Quả nang, hình trứng hoặc hình cầu, kích thước 7-9 x 6.5-8.5 mm. Hạt hình ê-líp đến hình cầu, có áo hạt màu hồng hoặc da cam.

Phân bố tự nhiên: 
Quảng Ninh, Bắc Giang (Phủ Lạng Thương), Bắc Ninh (Đình Bảng, Cổ Pháp), Hà  Nội, Hà Nam (Võ Xá, Chùa Hạc), Ninh Bình (Chợ Ghềnh, Chinh Đại), Thừa ThiênHuế; Gia Lai (Mang Yang, Đắk Đoa) [1,4]

Sinh học & sinh thái: 
Thường gặp trong rừng thường xanh núi cao ở độ cao 1.000-1.500 m. Cây ưa sáng, ưa đất tốt ẩm, tái sinh hạt, tái sinh chồi rất tốt. Mùa hoa tháng 5 - 6, quả tháng 7 - 10.

Thu hái và chế biến:
Thu hoạch mọi thời điểm trong năm, phơi khô hoặc sấy.

Bộ phận dùng:
Thân cành, lá và rễ - Caulis cum folium et Radix Celastri

Công dụng:
Tại Vân Nam (Trung Quốc), cây được dùng trị kinh nguyệt không đều, bế kinh viêm gan bệnh lậu. Mới đây các nghiên cứu đã phát hiện loài thực vật này có khả năng chữa được bệnh ung thư và giải độc rất tốt nên hiện giờ được trồng ở nhiều nơi và làm thành thuốc uống dạng trà túi lọc để chữa bệnh.
Ở Trung Quốc, Dây gối ấn độ có tác dụng được sử dụng để chữa nhiều bệnh như thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt và lở loét, phòng ngừa ung thư, tiêu viêm, mát gan mật, giúp cơ thể loại trừ độc tố.

Tính vị:
Vị đắng chát, tính hàn, có tác dụng hữu hiệu trong điều trị mụn nhọt, ung thũng, tiêu viêm, giải độc, giảm tiết dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Các nghiên cứu đáng chú ý về cây Dây gối ấn độ:

Dây gối ấn độ (Celastrus hindsii) được phát hiện và công bố lần đầu tiên trên “Hooker's J. Bot. Kew Gard. Misc. 3: 334 (1851)” bởi George Bentham – một nhà thực vật học người Anh (một trong những nhà thực vật học hệ thống nổi tiếng nhất thế kỷ 19). Từ đó đến nay, loài cây này đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó nó được coi là cây bản địa ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á.[7] Đây là cây được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền nhiều nước đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tác dụng dược lý, hóa học và các nghiên cứu khác liên quan đến loài cây này, trong đó đáng chú ý là những nghiên cứu gần đây:

Năm 1997, trên tạp chí Hóa thực vật [5]:
Bốn hợp chất mới (maytenfolone-A, celasdin-A, celasdin-B và celasdin-C) đã được phân lập từ cây Dây gối ấn độ (Celastrus hindsii), trong đó maytenfolone-A được chứng minh có thể gây độc với tế bào ung thư gan (HEPA-2B) và ung thư biểu mô vòm họng (KB), trong khi Celasdin-B được phát hiện có hoạt tính chống sao chép virus HIV trong các tế bào lympho H9.

Năm 2020, trên tạp chí quốc tế về Y Sinh (BioMed Research International) [6]:
Kết quả cho thấy chiết xuất lá của cây Dây gối ấn độ (Celastrus hindsii) thể hiện các hoạt động thu dọn gốc tự do mạnh mẽ chống lại DPPH. Chiết xuất cũng ức chế đáng kể sự phát triển của 3 dòng tế bào ung thư Vú (MCF7), Phổi (A549) và Cổ tử cung (HeLa). Đáng chú ý, dịch chiết không có tác dụng gây độc tế bào trên dòng tế bào thận bình thường (HK2). Nghiên cứu này cho thấy rằng chiết xuất giàu flavonoid là một chất chống oxy hóa và chống ung thư đầy hứa hẹn và chiết xuất với sự hỗ trợ của sóng siêu âm là một phương pháp hiệu quả để chiết xuất flavonoid từ lá Dấy gối ấn độ (C. hindsii).

Năm 2020, trên Tạp chí Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) [7]:
Dây gối ấn độ được biết đến như một loại thảo dược trong việc điều trị bệnh ung thư. Nghiên cứu này đã đánh giá tác dụng gây độc tế bào và chống oxy hóa của chiết xuất từ lá loài Dây gối ấn độ (Celastrus hindsii). Kết quả cho thấy EtOAc có tác dụng gây độc tế bào mạnh nhất đối với tế bào ung thư gan và tế bào ung thư phổi. Kết quả chống oxy hóa chỉ ra rằng phần EtOAc có tác dụng chống oxy hóa tốt nhất. Dịch chiết tổng EtOH cũng có hoạt tính chống oxy hóa mạnh.

Lưu ý nhầm lẫn:
Dây gối ấn độ (Celastrus hindsii) cũng có tên gọi khác là Xạ đen; ngoài ra do có hình thái ngoài khá giống với một loài thực vật khác có tên phổ thông là Xạ đen (Ehretia asperula) nên hiện nay trên thị trường thuốc Y học cổ truyền và Dược liệu đang bị nhầm lẫn giữa 2 loài cây này, thậm chí phần lớn thầy thuốc YHCT và nhiều nhà khoa học cũng chưa có kinh nghiệm phân biệt 2 loài cây này.
Trên thị trường hiện phân biệt 2 loại được cho là Xạ đen, trong đó: loài  đề cập đến trong bài viết này được gọi với tên Xạ đen “châu âu”; còn loài được gọi với tên Xạ đen “hòa bình” là loài có tên khoa học là Ehretia asperula thuộc họ Vòi voi - Boraginaceae. (tham khảo bài viết về cây Xạ đen)  

Một vài đặc điểm để phân biệt Xạ đen (Xạ đen hòa bình) với Dây gối ấn độ (Xạ đen châu âu):
 
Xạ đen (Xạ đen hòa bình) Dây gối ấn độ (Xạ đen châu âu)
Mép lá thường nguyên Mép lá thường có răng cưa thưa
Cụm hoa dạng xim, thường mọc ở đỉnh nhánh; bề mặt cụm hoa phẳng Cụm hoa dạng chùm tán mọc ở nách lá; bề mặt cụm hoa không phẳng
Hoa có dạng cái phễu, với 5 chỉ nhị nổi bật, dài. Hoa mẫu 5 rất rõ, nhị ngắn, 5 nhị xen kẽ với 5 cánh hoa.
Quả không mở ra làm 3 phần; khồng có áo hạt màu hồng cam Quả khi chín mở ra làm 3 mảnh; áo hạt màu hồng hoặc cam

Cách dùng, liều lượng:
Cách dùng phổ biến đối với Dây gối ấn độ hay Xạ đen châu âu (Celastrus hindsii) là dùng cành, lá, rễ phơi khô hay sấy; dùng sắc hoặc hãm uống thay trà với liều lượng phù hợp. Hiện nay có nhiều sản phẩm trà túi lọc từ Dây gối ấn độ/ kết hợp với nhiều dược liệu, vị thuốc khác.
Dây gối ấn độ (Xạ đen châu âu) dùng trong các bài thuốc với liều lượng tùy thuộc vào kinh nghiệm của thầy thuốc.

Tài liệu dẫn
1. Mostaph, M.K. & Uddin, S.B. (2013). Dictionary of plant names of Bangladesh, Vasc. Pl.: 1-434. Janokalyan Prokashani, Chittagong, Bangladesh.
2. GBIF (2008-continuously updated). Global Biodiversity Information Facility http://www.gbif.org/.
3. Wu, Z. & Raven, P.H. (eds.) (2008). Flora of China 11: 1-622. Science Press (Beijing) & Missouri Botanical Garden Press (St. Louis).
4. Van Steenis, C.G.G.J. (ed.) (1960-1972). Flora Malesiana 6: 1-1023. Noordhoff-Kolff N.V., Djakarta.
5. Kuo, Y. H., & Kuo, L. M. Y. (1997). Antitumour and anti-AIDS triterpenes from Celastrus hindsii. Phytochemistry, 44(7), 1275-1281.
6. Pham, D. C., Nguyen, H. C., Nguyen, T. H. L., Ho, H. L., Trinh, T. K., Riyaphan, J., & Weng, C. F. (2020). Optimization of Ultrasound-Assisted Extraction of Flavonoids from Celastrus hindsii Leaves Using Response Surface Methodology and Evaluation of Their Antioxidant and Antitumor Activities. BioMed Research International, 2020.
7. Plant of the world online: http://powo.science.kew.org/
8. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt Nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật. Hà Nội.

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)