Tên phổ thông: Đu đủ [1,2,3,4]
Tên gọi khác: Thầu dầu (ở Phú Thọ) [1]
Tên khoa học: Carica papaya L. [1,4]
Họ thực vật: Đu đủ - Caricaceae Dumort. [1,4]
Mô tả:
Cây gỗ hoặc bụi, cao 8-10 m. Thân mọc đơn độc, trên thân có các vết sẹo sắp xếp theo hình xoắn ốc do cuống lá rụng để lại. Cuống lá rỗng, dài 60-100 cm; phiến lá đường kính khoảng 60 cm, xẻ hình chân vịt với 5-9 thùy. Cụm hoa đực rủ xuống, đường kính cụm hoa khoảng 1 m. Hoa đực: không có cuống; ống tràng màu vàng kèm, thùy hình mũi mác; 10 nhị (5 nhị dài, 5 nhị ngắn). Hoa cái thường đơn độc hoặc tập hợp trong cụm hoa hình xim ngù; cuống ngắn hoặc gần như không có; các thùy tràng hoa màu vàng kem, thuôn hoặc hình mác. Hoa lưỡng tính: tràng hoa dạng ống, thùy thuôn dài; nhị 5 hoặc 10 trong 1 hoặc 2 vòi. Quả màu vàng cam hoặc vàng lúc trưởng thành, hình trụ, hình trứng-trụ, dài 10-30 cm; thịt quả mềm với hương vị nhẹ nhàng, dễ chịu. Hạt nhiều, lúc chín màu đen, hình trứng.
Phân bố tự nhiên:
Trồng phổ biến khắp nơi ở Việt Nam; còn có ở nhiều nơi trên thế giới như một loài cây ăn quả phổ biến. [1]
Công dụng:
Làm thuốc bổ dưỡng, giúp tiêu hóa (quả chín); giảm dịch vị dạ dày, viêm dạ dày mạn tính, (quả xanh); làm thuốc tẩy giun (hạt); chữa sốt rét và làm thuốc lợi tiểu (rễ); dùng tiêu mụn nhọt, rửa vết loét, vết thương, sát trùng (lá); bôi mặt bị tàn nhang, hắc lào mới phát (nhựa); chữa ho (hoa đu đủ đực). [3]
Một số thông tin:
Đu đủ thường được biết đến là thực phẩm phổ biến trên thế giới với các giá trị dinh dưỡng cao. Dược tính của quả đu đủ và các bộ phận khác của cây cũng được biết đến nhiều trong y học cổ truyền. Do mỗi bộ phận của cây Đu đủ đều có giá trị kinh tế nên được trồng với quy mô thương mại. Trong vài thập kỷ qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể về nghiên cứu hoạt tính sinh học và ứng dụng làm thuốc của Đu đủ và hiện nay nó được coi là cây ăn quả bổ dưỡng có giá trị. Nó là nguồn cung cấp papain dùng trong công nghiệp và dược phẩm.
Tài liệu dẫn