Tên phổ thông: Râu hùm hoa tía
Tên khoa học: Tacca chantrieri André [3]
Thuộc họ: Củ nâu - Dioscoreaceae R.Br.
Mô tả: Cỏ nhiều năm, cao 30-40 cm, mọc ở nơi ẩm ướt, nhiều mùn, ven suối, khe núi. Thân rễ mọng nước. Cuống lá dài 10-30 cm; phiến lá hình thuôn, kích thước 20-60 x 7-25 cm, bề mặt lá nhẵn hoặc mặt sau có lông tơ. Cụm hoa dạng tán, gồm 5-18 hoa; bao hoa màu hơi tím, chia thùy. Núm nhụy chia 3 thùy. Quả mọng, màu tím nhạt, hình ellip, đường kính khoảng 3 cm, có 6 khía. [6]
Phân bố tự nhiên: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn (Hòa Thang, Núi Tiên), Bắc Giang (Lạc Thọ), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Hòa Bình, Ninh Bình (Cúc Phương, Mây Bạc), Quảng Trị (Làng Khoai), Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng (Bảo Lộc), Đắk Lắk, Khánh Hòa (Sông Cầu), Đồng Nai (Biên Hòa, Chứa Chan). [1,2].
Mùa hoa quả: Hoa tháng 7-8, quả tháng 9-10.
Sinh học & sinh thái: Cây mọc hoang ở ven suối, ẩm trong các khu vực tán rừng mưa nhiệt đới có độ che phủ cao. Cây ưa bóng, ưa đất mùn tơi, xốp.
Thu hái & chế biến: Thu hái quanh năm. Phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận dùng: Thân rễ - Rhizoma et Radix Taccae
Tính vị: Thân rễ có vị cay đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm chỉ thống, lương huyết, tán ứ [6].
Công dụng:
Theo kinh nghiệm nhân dân, thân rễ râu hùm được dùng làm thuốc chữa tê thấp. Lấy 50g thân rễ râu hùm khô, giã nhỏ trộn với 30g bột bồ kết nướng giòn; ngâm vào 1/2 lít rượu trong 1-2 tuần lễ, thỉnh thoảng lắc đều. Dùng rượu này xoa bóp vào chỗ tê đau. Không được uống.
Một số nghiên cứu gần đây:
Theo Y học cổ truyển phương Đông, thân rễ của cây Râu hùm hoa tía được sử dụng để giảm đau, chống viêm và làm thuốc giải độc khi ngộ độc thực phẩm. Điều này được chứng minh bằng công trình nghiên cứu của Keardrit và cộng sự (2010) [5]. Trước đó, nghiên cứu của Yokosuka (2002), từ thân rễ của loài này đã phân lập được hai hợp chất glucoside mới và chứng minh có tác dụng với tế bào ung thư ở biểu mô miệng người [4].
Ở Trung Quốc, cây được dùng uống trị lao lực, viêm loét dạ dày và hành tá tràng, viêm gan, huyết áp cao, đau dạ dày, bỏng lửa, lở ngứa [6].
Thân rễ chứa saponin steroid thủy phân chữa thấp khớp: 50 g thân rễ giã nhỏ, ngâm rượu xoa bóp. Không được uống. Rễ củ còn là nguyên liệu để chiết diosgenin [6].
Viện Dược liệu đã nghiên cứu chiết từ thân rễ râu hùm hoạt chất diosgenin. Đó là nguyên liệu để bán tổng hợp các thuốc steroid như thuốc chống viêm, thuốc nội tiết, thuốc cai đẻ, thuốc tăng đồng hóa. Những thuốc này ngày càng có nhu cầu lớn ở trong nước và trên thế giới.
Lưu ý khi sử dụng:
Toàn cây có độc vì vậy cần hết sức thận trọng khi sử dụng và có chỉ định của thầy thuốc uy tín.
Tài liệu dẫn
1. Bân, N. T. (2003). Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập II, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt Nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
3. https://ipni.org/?q=Tacca%20chantrieri
4. Yokosuka, A., Mimaki, Y., Sakagami, H., & Sashida, Y. (2002). New diarylheptanoids and diarylheptanoid glucosides from the rhizomes of Tacca chantrieri and their cytotoxic activity. Journal of natural products, 65(3), 283-289.
5. Keardrit, K., Rujjanawate, C., & Amornlerdpison, D. (2010). Analgesic, antipyretic and anti-inflammatory effects of Tacca chantrieri Andre. Journal of medicinal plants research, 4(19), 1991-1995.
6. Viện Dược liệu. Cây thuốc Việt Nam, trang 391. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
7. Ahmed, Z.U. (ed.) (2008). Encyclopedia of Flora and Fauna of Bangladesh 12: 1-505. Asiatic Society of Bangladesh.