Tên phổ thông: Khổ sâm bắc bộ [4]
Tên gọi khác: Cù đèn bắc bộ
Tên khoa học: Croton kongensis Gagnep.[5,6]
Họ thực vật: Thầu dầu - Euphorbiaceae Juss.[4]
Mô tả:
Cây bụi, cao 1-1,5 m, cành non mảnh. Cuống lá dài 1-5 cm, đầu cuống lá có 2 tuyến nhìn như mắt cua; lá mọc so le, có khi tụ họp 3-4 lá như kiểu lá mọc vòng, hai mặt có lông óng ánh như lá nhót, phủ dày hơn ở mặt dưới; phiến lá hình trái xoan, thuôn đến hình ngọn giáo, phiến lá kích thước 5-9 x 1-3 cm, chóp nhọn dài thành mũi nhọn, mép nguyên, 3 gân tỏa từ góc, cùng với hai tuyến dạng răng cưa. Hoa nhỏ trắng mọc thành ở nách lá hoặc đầu cành, đơn tính cùng gốc, quả có 3 mảnh vỏ. Hạt hình trứng màu nâu.[7]
Phân bố tự nhiên:
Mọc hầu khắp ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Tho, Hà Nội cho đến Nghệ An, Thanh Hóa [4]
Sinh học & sinh thái:
Cây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong các vườn gia đình hoặc là vườn thuốc, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam. Thường trồng bằng gieo hạt hay trồng cành bằng mùa xuân. Cây ưa sáng ưa đất tốt, tái sinh chồi tốt hơn tái sinh hạt. Mùa hoa quả tháng 5–8.
Thu hái và chế biến:
Thu hoạch lá và ngọn non quanh năm, rừa sạch, cắt thành từng đoạn dài khoảng 1 cm đến 3 cm, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Khi dùng sao vàng.[3]
Bộ phận dùng:
Lá và cành – Folium et Ramulus Crotonis tonkinensis
Tính vị, quy kinh:
Vị đắng, hơi ngọt, hơi chát; tính mát. Quy vào các kinh can, đại tràng.[3]
Công năng, chủ trị:
Thanh nhiệt, tiêu độc, sát trùng. Chủ trị: ung nhọt, lở loét ngoài da, viêm mũi, tiểu ra máu, viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu hóa kém.[3]
Một số kết quả nghiên cứu mới:
Hai diterpenes mới cùng với nhiều hợp chất đã biết được phân lập từ cây Khổ sâm bắc bộ (Croton kongensis Gagnep.) thể hiện tính kháng khuẩn cao với nồng độ thích hợp và có hoạt tính chống sốt rét [1]. Kết quả nghiên cứu trong Luận án tiến sĩ của Thongtan (2003) cũng chứng minh nhiều hoạt chất phân lập từ bộ phận trên mặt đất của cây Khổ sâm bắc bộ có tác dụng kháng khuẩn, chống sốt rét và giải độc tế bào [2].
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng từ 15 g đến 20 g, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài: Lấy nước sắc đặc để rửa, chữa mụn nhọt lở ngửa. Lượng thích hợp.[3]
Tài liệu dẫn
1. Thongtan, J., Kittakoop, P., Ruangrungsi, N., Saenboonrueng, J., & Thebtaranonth, Y. (2003). New Antimycobacterial and Antimalarial 8, 9-Secokaurane Diterpenes from Croton kongensis. Journal of natural products, 66(6), 868-870.
2. Thongtan, J. (2003). Bioactive compounds from Croton kongensis, Croton birmanicus and Millettia kangensis(Doctoral dissertation, Chulalongkorn University).
3. Bộ Y tế (2019). Dược điển Việt Nam V. Nxb Y học, Hà Nội.
4. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
5. Internatinal Plant Names Index: https://ipni.org/?q=Croton%20kongensis
6. Plant of the World online: http://powo.science.kew.org/taxon/342785-1
7. FOC: http://efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=2&taxon_id=242315623