CÂY BÌNH VÔI
CÂY BÌNH VÔI
Tên phổ thông: Bình vôi [1]
Tên gọi khác: Ngải tượng, Củ một, Dây mối tròn [1][3]
Tên khoa học: Stephania rotunda Lour. (Syn.: Stephania glabra (Roxb.) Miers; S. hexandra Miers; Cissampelos glabra Roxb.) [4]
Họ thực vật: Bình vôi - Menispermaceae Juss. [1][4]

Mô tả: (theo Thực vật chí Trung Quốc) [5]
Cây cỏ leo. Thân hình tam giác, nhẵn, rỗng ở giữa. Cuống lá tương đối mảnh, dài 5-15 cm hoặc hơn, cong gập và dày hơn ở phần gốc; phiến lá hình khiên, hình trứng rộng hoặc tròn, kích thước 4-14 x 4-12 cm, mỏng như giấy, mặt trên xanh nhạt, cả 2 mặt không có lông, gốc lá tròn, gân lá hình chân vịt, 5 gân nổi bật ở mặt trên lá. Cụm hoa đực mọc ở nách hoặc trên phần thân già không mang lá; cuống cụm hoa dài 4-8 cm. Hoa đực: đài 6 cánh, 3 cánh hoa, cánh hoa dày, có những tuyến hột ở phần giữa cánh hoa, đỉnh thường chia 3 thùy. Cụm hoa dạng tán dày, cuống cụm hoa dài khoảng 1,5 cm; cuống quả khoảng 0,6-0,8 mm. Quả hạch hình trứng ngược. Hạt có hình bán nguyệt đặc trưng. Mùa sinh sản từ tháng 6 đến 7.
 
Phân bố tự nhiên:
Gặp nhiều nơi từ Bắc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng) vào Nam (Côn Đảo). Ngoài ra còn có ở Assam, Bangladesh, Cambodia, East Himalaya, India, Laos, Myanmar, Nepal, Thailand, Tibet. [1][4]

Thu hái và chế biến:
Có thể thu hái quanh năm, đào lấy củ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi hay sấy khô. [2]

Tính vị, quy kinh:
Kho, cam, lương. Vào hai kinh can, tỳ. [2]

Công năng, chủ trị:
An thần, tuyên phế. Chủ trị: Mất ngủ, sốt nóng, nhức đầu, đau dạ dày, ho nhiều đờm, hen suyễn khó thở. [2]

Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng từ 6 g đến 12 g, dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc rượu thuốc. [2]

Cây bình vôi

Một số kết quả nghiên cứu về Bình vôi:
- Chea, A. (2007), chứng minh Bình vôi có hiệu quả chống sốt rét. [7] Nghiên cứu tiếp theo cũng của nhóm nghiên cứu này tìm thấy nhiều alkaloid trong củ Bình vôi có tác dụng chống co thắt. [8]
- Gülçin, İ. (2010): Bình vôi có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng chống oxi hóa. [6]
- Desgrouas, C. (2014) đã có nghiên cứu toàn diện về thực vật dân tộc học và hóa học trên đối tượng là cây Bình vôi: Các bộ phận khác nhau của cây Bình vôi (Stephania rotunda) đã được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị khoảng 20 chứng rối loạn sức khỏe. Các phân tích hóa thực vật đã xác định được 40 ankaloid. Rễ chủ yếu chứa l-tetrahydropalmatine (l-THP), trong khi củ chứa cepharanthine và xylopinine. Hơn nữa, thành phần hóa học khác nhau giữa các vùng và theo thời kỳ thu hoạch. Các ankaloid thể hiện khoảng mười hoạt tính dược lý khác nhau. Các hoạt động dược lý chính của alkaloid tách chiết được trong Bình vôi có tác dụng chống co thắt, chống ung thư và điều hòa miễn dịch. Sinomenine, cepharanthine và l-stepholidine là những thành phần hứa hẹn nhất và đã được thử nghiệm trên người. Các thông số dược động học đã được nghiên cứu đối với 7 hợp chất, trong đó có ba hợp chất hứa hẹn nhất. Độc tính đã được đánh giá đối với liriodenine, roemerine, cycleanine, l-tetrahydropalmatine và oxostephanine. Nghiên cứu này kết luận Bình vôi (Stephania rotunda) theo truyền thống được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh; nghiên cứu dược lý đã xác nhận các công dụng khác nhau của Bình vôi trong y học dân gian. Nghiên cứu này nhấn mạnh 3 hợp chất hứa hẹn nhất tìm thấy trong cây Bình vôi, có thể tạo thành các chất tiềm năng trong các lĩnh vực y học khác nhau, bao gồm cả sốt rét và ung thư. [9]
 
Tài liệu dẫn
1. Nguyễn Tiến Bân (Chủ biên) (2003). Danh lục thực vật Việt Nam, tập 2. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
2. Bộ Y tế (2019). Dược điển Việt Nam V. Nxb Y học, Hà Nội.
3. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Plant of the World online: http://powo.science.kew.org/
5. FOC: http://efloras.org/
6. Gülçin, İ., Elias, R., Gepdiremen, A., Chea, A., & Topal, F. (2010). Antioxidant activity of bisbenzylisoquinoline alkaloids from Stephania rotunda: cepharanthine and fangchinoline. Journal of enzyme inhibition and medicinal chemistry, 25(1), 44-53.
7. Chea, A., Bun, S. S., Azas, N., Gasquet, M., Bory, S., Ollivier, E., & Elias, R. (2010). Antiplasmodial activity of three bisbenzylisoquinoline alkaloids from the tuber of Stephania rotunda. Natural product research, 24(18), 1766-1770.
8. Chea, A., Hout, S., Bun, S. S., Tabatadze, N., Gasquet, M., Azas, N., ... & Balansard, G. (2007). Antimalarial activity of alkaloids isolated from Stephania rotunda. Journal of ethnopharmacology, 112(1), 132-137.
9. Desgrouas, C., Taudon, N., Bun, S. S., Baghdikian, B., Bory, S., Parzy, D., & Ollivier, E. (2014). Ethnobotany, phytochemistry and pharmacology of Stephania rotunda Lour. Journal of ethnopharmacology, 154(3), 537-563.

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)