CÂY BÁCH BỆNH
CÂY BÁCH BỆNH
Tên phổ thông: Bách bệnh [4]
Tên gọi khác: Bá bệnh, Mật nhơn, Mật nhân [4]
Tên khoa học: Eurycoma longifolia Jack.[8,9]
Họ thực vật: Thanh thất - Simaroubaceae DC. [3,4,8,9]

Mô tả:
Cây gỗ trung bình hoặc bụi. Lá kép lông chim, có thể dài đến 1 m; lá chét đối hoặc gần như đối, đỉnh lá chét hình mũi mác; lá chét dài 1.5-6 cm, mép không có răng cưa. Hoa nhỏ, màu đỏ, đơn tính và mọc dày. Quả hình trứng, quả chín màu đen.[3]
 
Phân bố tự nhiên: 
Quảng Ninh (các đảo vịnh Hạ Long), Hải Dương (Chí Linh), Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã, Bồ Giang), Đà Nẵng, Kon Tum (Đắk Glei, Đắk Tô, Sa Thầy), Gia Lai (Kon Hà Nừng), Đắk Nông (Đắk Mil), Lâm Đồng (Lạc Dương, Bảo Lộc), Khánh Hòa (Nha Trang), Ninh Thuận (Cà Ná), Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu (Núi Đinh), Tp. Hồ Chí Minh (Thủ Đức), Kiên Giang (Phú Quốc, Thổ Chu). [4]

Sinh học & sinh thái: 
Cây mọc hoang và được trồng ở một số nơi trong các vườn gia đình hoặc là vườn thuốc. Thường trồng bằng gieo hạt hoặc trồng cây con. Mùa hoa quả tháng 4–12.

Thu hái và chế biến:
Đào lấy rễ, rửa sạch đất cát, cẳt bỏ đẩu, sau đó phơi khô hoặc thái lát phơi khô.[3]

Bộ phận dùng:
Rễ đã phơi hay sấy khô – Radix Eurycomae longifoliae.[3]

Tính vị, quy kinh:
Vị đắng, tinh ôn. Quy kinh thận, tỳ, vị.[3]

Công năng, chủ trị:
Bổ khí huyết, ôn tỳ thận. Chủ trị: Khí huvết lưỡng hư, cơ thể yếu mệt, thiếu máu, ăn uống kém. khó tiêu, các bệnh tả, lỵ, các trường hợp sinh dục yếu, dương suy, tảo tiết. Còn dùng để chữa cảm mạo, phát sốt, sốt rét, giải độc rượu, tẩy giun.[3]

Một số kết quả nghiên cứu về Bách bệnh:
Bách bệnh được sử dụng để chữa đau thắt lưng và khó tiêu. Nó được sử dụng như một loại thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh; làm hạ sốt, chữa vàng da, sơ gan cổ chướng [1,2]. Bách bệnh là một trong những dược liệu được sử dụng phổ biến nhất trong dân gian vì tác dụng kích thích tình dục và điều trị chứng sốt theo cơn (sốt rét) [5]. Dịch của lá được dùng để sát trùng vết mẩn ngứa, trong khi quả của nó được dùng chữa bệnh Kiết lị [1]; rễ cây được dùng trị huyết áp cao và vỏ rễ được dùng để trị tiêu chảy và sốt [6]; chiết xuất từ rễ của cây Bách bệnh được sử dụng làm thuốc chữa rối loạn chức năng tình dục, lão hóa, sốt rét, ung thư, tiểu đường, lo âu, đau nhức, táo bón, phục hồi sức khỏe, sốt, bệnh bạch cầu, loãng xương. Một số hoạt chất từ cây này còn được sử dụng sản xuất thuốc kích dục, kháng sinh,…[6,7].
Do có nhiều tác dụng tốt, được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền và đã được khoa học hiện đại chứng minh, hiện đã có hơn 200 sản phẩm từ cây Bách bệnh đã được đăng ký tại Cục quản lý dược Malaysia (số liệu 2016). 

Cách dùng, liều lượng:
Ngày 8 g đến 16 g, dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn hoặc ngâm rượu.[3]

Tài liệu dẫn
1. Ang, H.; Ikeda, S.; Gan, E. Evaluation of the potency activity of aphrodisiac in Eurycoma longifolia Jack. Phytother. Res. 2001, 15, 435–436.
2. Jamal, J.A. Malay traditional medicine. Tech. Monit. 2006, 1, 37–49.
3. Bộ Y tế (2019). Dược điển Việt Nam V. Nxb Y học, Hà Nội.
4. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
5. Jiwajinda, S.; Santisopasri, V.; Murakami, A.; Hirai, N.; Ohigashi, H. Quassinoids from Eurycoma longifolia as plant growth inhibitors.  Phytochemistry 2001, 58, 959–962.
6. Kuo, P.C.; Damu, A.G.; Lee, K.H.; Wu, T.S. Cytotoxic and antimalarial constituents from the roots of Eurycoma longifolia. Biorg. Med. Chem. 2004, 12, 537–544.
7. Miyake, K.; Tezuka, Y.; Awale, S.; Li, F.; Kadota, S. Quassinoids from Eurycoma longifolia. J. Nat. Prod. 2009, 72, 2135–2140.
8. Plant of the World online: http://powo.science.kew.org/taxon/342785-1
9. FOC: http://efloras.org/florataxon.aspx?flora_id=2&taxon_id=242315623

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)