BIỂN HOA SÔNG HẰNG
BIỂN HOA SÔNG HẰNG
Tên phổ thông: Biển hoa sông hằng
Tên gọi khác: Thập vạn thác
Tên khoa học: Asystasia gangetica (L.) T.Anderson
Họ thực vật: Ô rô - Acanthaceae Juss.

Mô tả:
Cây thảo, cao 0.5 m; thân 4 cạnh, có lông tơ dày. Lá hình trứng đến hình bầu dục, nhẵn hoặc có lông tơ dày đặc biệt dọc gân, mặt trên lá nhiều nang thạch nổi rõ; cuống lá dài 3-5 mm, có lông tơ thưa. Cụm hoa hình chùm ở nách lá hoặc đầu cành, dài đến 15 cm; lá bắc hình tam giác, cỡ 5 mm, có lông tơ dày. Cuống hoa dài 2-3 mm, lông tơ dày. Đài dài 7 mm; thùy đài hình đường-hình mác, cỡ 5-6 x 1 mm. Tràng hoa hình chuông, cỡ 3-3.5 cm, màu vàng, trắng hoặc tím nhạt, mặt ngoài có lông tuyến, mặt trong nhẵn; gốc ống tràng hình trụ, dài cỡ 3 mm, rộng 8 mm sau đó mở rộng ra; miệng tràng 5 thùy; thùy tràng hình trứng ngược hoặc hình bán nguyệt; thùy giữa môi dưới có đốm tím hoặc đốm khác màu. Nhị không thò ra khỏi ống tràng; chỉ nhị nhẵn, cặp nhị dài cỡ 5 mm, cặp nhị ngắn hơn cỡ 3 mm. Bầu hình bầu dục, cỡ 3.5 mm; vòi nhụy dài 1.8 cm, có lông tơ dày; núm nhụy hình đầu, 2 thùy. Quả nang, dài cỡ 2 cm, hình chùy, lông tơ thưa. Hạt gần như hình trứng ngược hoặc tròn, cỡ 3-4 x 1-3 mm, bề mặt mạng lưới.
 
Phân bố tự nhiên:
Hà Nội (Ba Vì), Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An (Vinh), Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Khánh Hòa (Nha Trang), Đồng Nai (Biên Hòa), Long An. Còn có ở Trung Quốc (Vân Nam), Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Philippin, Malaysia, Indonesia, Ustrailia và châu Phi.
Cây trồng nhiều ở Việt Nam; có thể có nhiều màu sắc khác nhau từ trắng, vàng nhạt đến tím.

Sinh học & sinh thái:
Mùa hoa tháng 9 đến tháng 1 năm sau, có quả tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Cây ưa sáng mọc ven đường, bờ rào.

Giá trị sử dụng:
Làm cảnh. Làm thuốc giải độc, se da. Ở Ấn Độ, dùng dịch lá làm thuốc trừ Giun và xoa trị viêm sưng thấp khớp [2,4]. Ở Vân Nam (Trung Quốc) toàn cây dùng trị đòn ngã tổn thương và gãy xương. Hiện nay đang được sử dụng làm rau ăn với tên “Rau ngót nhật”.

Một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý về cây Biển hoa sông hằng:
Nghiên cứu của Akah và cộng sự (2003): lá của cây Biến hoa sông hằng (Asystasia gangetica) được sử dụng ở nhiều vùng của Nigeria để điều trị bệnh hen suyễn. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra cơ sở khoa học của việc sử dụng lá Asystasia gangetica trong điều trị bệnh hen suyễn trong y học dân gian Nigeria.[6]
Nghiên cứu của Reddy và cộng sự (2010): chiết xuất từ lá của cây Asystasia gangetica có tác dụng chống oxy hóa và chống đái tháo đường.[7]
 
Tài liệu dẫn
1. Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật (2005). Danh  lục các loài thực vật Việt Nam, tập 3: 1-1248. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Wu, Z. & Raven, P.H. (eds.) (2011). Flora of China 19: 1-884. Science Press (Beijing) & Missouri Botanical Garden Press (St. Louis).
3. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam, Tập 1. Nxb Đại học Y Hà Nội.
5. Đỗ Văn Hài (2016). Luận án tiến sỹ sinh học “Nghiên cứu phân loại phân tông Xuân tiết (Subtrib. Justiciinae Nees) thuộc họ Ô rô (Fam. Acanthaceae Juss.) ở Việt Nam.
6. Akah, P. A., Ezike, A. C., Nwafor, S. V., Okoli, C. O., & Enwerem, N. M. (2003). Evaluation of the anti-asthmatic property of Asystasia gangetica leaf extracts. Journal of ethnopharmacology, 89(1), 25-36.
7. Reddy, N. V. L. S., Anarthe, S. J., & Raghavendra, N. M. (2010). In vitro antioxidant and antidiabetic activity of Asystasia gangetica (Chinese Violet) Linn.(Acanthaceae). International Journal of Research in Pharmaceutical and Biomedical Sciences, 1(2), 72-75.

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)