BẠC HÀ
BẠC HÀ
Tên phổ thông: Bạc hà
Tên gọi khác: Bạc hà nam, Húng cây
Tên khoa học: Mentha arvensis L.
Họ thực vật: Bạc hà - Lamiaceae Martinov

Đặc điểm nhận dạng:
Cỏ đứng; cao 30-60 cm, có thân ngầm. Thân vuông, nhẵn hay có lông tơ ngắn ở phần non. Lá hình trứng - hình bầu dục, cỡ 3-7 x 1-3,5 cm, chóp lá nhọn, gốc tù hay tròn, mép xẻ răng cưa, nhẵn ở mặt trên, có điểm tuyến và lông rải rác trên gân ở mặt dưới; gân bên 4-5 đôi; cuống lá dài 5-12 mm. Cụm hoa ở nách lá phía đỉnh cành; cụm hoa ở phía dươi gần hình cầu, có đường kính 15-18 mm, có cuống chung dài 2-5 mm; những cụm hoa phía trên gần đỉnh họp thành vòng giả ở nách lá. Lá bắc hình đường, ngắn hơn hay dài bằng đài. Đài hình chuông, dài 2-2,5 mm, nhẵn, có các điểm tuyến hay có lông rải rác ở phia ngoài, 5 thùy đài nhọn, gần bằng nhau. Tràng màu tím hay trắng, dài 4-5 mm, gần như nhẵn ở phía ngoài, 4 thùy. Nhị 4, dài bằng nhau, thò khòi tràng; chỉ nhị nhẵn; bao phấn 2 ô song song. Bầu nhẵn, vòi nhụy dài hơn nhị, đỉnh xẻ 2 thùy. Quả hình trứng, dài 0,6-0,8 mm, màu nâu.
 
Phân bố tự nhiên:
Trồng ở hầu khắp các tỉnh và thành phố như: Sơn La (Hát Lót); Tuyên Quang (Chiêm Hóa), Lạng Sơn (Mẫu Sơn), Hà Nội (Ba vì, Văn Điển, Từ Liêm), Nam Định, Tp. Hồ Chí Minh (Thủ Đức), Cà Mau và các tỉnh khác.
Thường gặp ở các nước châu Âu và châu Á.

Sinh học & sinh thái:
Mùa hoa tháng 6-9, mùa quả tháng 10-11. Cây ưa sáng và ẩm, thich họp với đất phù sa, đất thịt.

Giá trị sử dụng:
Cây có chứa tinh đầu và được dùng làm thuốc.

Bộ phận dùng:
Bộ phận trên mặt đất, thu hái vào thời kỳ vừa ra hoa, phơi trong râm hoặc sấy nhẹ cho đốn khô cùa cây Bạc hà - Herba Menthae

Chế biến bạc hà:
Thu hoạch khi cây vừa ra hoa, lúc trời khô ráo, cắt lấy dược liệu, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở 30 °c đến 40 °c đến khô.

Bảo quản:
Để nơi khô, mát; từng thời gian kiêm tra lại hàm lượng tinh dầu.

Tính vị, quy kinh:
Tân lương. Vào các kinh phế, can.

Công năng:
Sơ phong thanh nhiệt, thấu chẩn, sơ can giải uất.

Chủ trị:
Cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ; thúc đẩy sởi, đậu mọc; can uất ngực sườn căng tức.

Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng từ 12 g đến 20 g, dạng thuốc sắc; khi sắc thuốc nên cho Bạc hà vào sau.

Kiêng kỵ:
Người khí hư huyết táo, mồ hôi nhiều, trẻ em dưới 1 tuổi không nên dùng.
 
Tài liệu dẫn:
1. Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật (2005). Danh  lục các loài thực vật Việt Nam, tập 3: 1-1248. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
2. Wu, Z. & Raven, P.H. (eds.) (2011). Flora of China 19: 1-884. Science Press (Beijing) & Missouri Botanical Garden Press (St. Louis).
3. Viện Dược liệu (2016). Danh lục cây thuốc Việt nam. Nxb Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
4. Vũ Xuân Phương (2000). Thực vật chí Việt Nam, tập 2: Họ Bạc hà – Lamiaceae Lindl. Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
5. Bộ Y tế (2018). Dược điển Việt Nam V. Nxb Y học, Hà Nội.

Cây Thuốc Khác

Công ty cổ phần Bảo tồn cây thuốc nam & Trồng cây gỗ quý Việt Nam
Mã số thuế: 0109864262 - Ngày cấp: 21/12/2021
Địa chỉ: Thôn Hợp Nhất, Xã Ba Vì, Huyện Ba Vì, TP Hà Nội
Điện thoại: 090.395.8888 (Tiến sỹ Lê Hồng Thăng) - Email: VuonThuocTanVien@gmail.com
Stk: 0988552960 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)